Lịch sử Đảo Hà Nam

Thời kỳ thành lập

Sau khi nhà Lê sơ thành lập, triều đình có nhu cầu mở rộng kinh thành Thăng Long, xây dựng trung tâm văn hóa, tâm linh mới về phía nam kinh thành, cụ thể là khu vực phường Kim Liên, phủ Hoài Đức. Dân chúng nơi này đã hiến đất cho triều đình rồi chuyển đi nơi khác sinh sống.[5] Năm 1434, niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất, vua Lê Thái Tông lên ngôi, khuyến khích dân chúng đi khai khẩn đất hoang, mở mang diện tích canh tác nhằm phát triển nông nghiệp. Nhóm các cụ gồm Vũ Song, Vũ Hồng Tiệm, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn, Hoàng Nông, Hoàng Nênh[6] trú tại phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, phía Nam thành Thăng Long (nay thuộc Đống Đa, Hà Nội)[7] đã cùng nhau sắm thuyền, xuôi theo sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng. Họ là những người lao động, những kẻ sĩ, sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp và đánh cá ven hồ, ven sông Kim Ngưu ở Thăng Long, nhưng cũng có những người có trình độ học vấn cao. Theo bằng sắc Khải Định thứ 9 (1925), các tiên công khi mới đặt chân xuống đây đã có năm người là Quốc Tử giám sinh và 3 người đỗ Hiệu sinh.[8] Tuy rằng lúc đó vùng Hà Nam còn hoang vu, ngập nước nhưng họ nhận thấy khu vực này có những điều kiện tốt có thể sinh sống lâu dài, đặc biệt là nguồn nước ngọt, nên bèn cùng nhau quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn đất đai[9], lập nên xã Phong Lưu, gồm 4 làng Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản, là khu vực trung tâm đảo, cả về quy mô và mức độ trù phú. Đây là tốp đầu tiên của công cuộc khai hoang lập ấp, áp dụng phương thức khai canh tập thể, tức là nhiều gia đình hợp lại cùng quai đê lấn biển lập làng, ruộng đất chia đều cho từng suất đinh tham gia khai khẩn, 3 năm đổ chương chia lại ruộng đất.[10]

Nhóm Hoàng Kim Bảng, ở tổng Đại Hoàng, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương (nay thuộc Thái Bình). Nguyên ông Hoàng Kim Bảng gốc Họ Hoàng từ Thăng Long, đã cùng họ Vũ, Trần, Nguyễn lánh nạn Hồ Quý Ly mới về sinh tụ tại Trà Lũ, lập các làng Văn Lang, Vũ Lăng, Trà Lũ, Đại Hoàng, Tiểu Hoàng. Do khu vực Kiến Xương khi ấy bị nạn ngập lụt, nạn đói, tiên công Hoàng Kim Bảng đã cùng với người em kết nghĩa là Đồng Đức Hấn tới khu cửa sông Bạch Đằng chiêu tập người quai đê lấn biển, lập nên thôn Vị Dương vào giai đoạn 1434-1442.

Nhóm hai cụ tiên công Đỗ Độ và Đào Bá Lệ[11] gốc vùng Hà Nam - Nam Định, chiêu tập dân quai lấn lập nên xã Lương Quy phía đông xã Phong Lưu vào giai đoạn những năm niên hiệu Thiệu Bình tiếp theo (trước năm 1442).

Nhóm hai anh em Tiên công Phạm Nhữ Lãm và Phạm Thanh Lảnh, quê ở Quang Lang, Hà Nam, Hải Dương vào giai đoạn 1498-1504 cùng một số người quai đê lấn biển lập nên xã Hải Triều và xã Vị Khê.

Nhóm cư dân của 4 dòng họ: họ Ngô, họ Phạm Văn, họ Đặng, họ Phùng ở vùng Tả Quang, Chí Linh khoảng cuối triều Lê Hồng Đức (1490 – 1497) đến khai khẩn vùng đất cao phía tây bắc xã Hải Triều, lập nên một làng mới. Theo nhân dân trong vùng kể lại, khi mới thành lập nhân dân lấy tên Huyền Quang, tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm đặt tên cho làng để lưu niệm danh nhân nơi quê cha đất tổ, sau vì kiêng húy Huyền Quang nên gọi là làng Quan, sau đổi thành làng Hương. Đến đầu triều Nguyễn, làng Hương đổi tên là Hưng Học.[12]

Từ giai đoạn đầu mở cõi đến sang nửa sau thế kỉ 15, dân số Hà Nam đạt năm trăm người [5] rồi tăng lên gần một nghìn người dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông.[13] Người đời sau suy tôn các cụ đã có công khai sáng là các bậc Tiên công và lập miếu để thờ phụng.[9]

Người dân Hà Nam luôn ghi nhớ về nguồn gốc của mình và tự hào mình là người gốc Thăng Long - Hà Nội. Nhà thờ họ Nguyễn ở Phong Cốc có câu đối thể hiện niềm kiêu hãnh nguồn cội này

Long Thành mộng ứng quang tiên thế (龍成夢應光先世)Oa tỉnh thanh văn khải hậu nhân (蝸井聲聞啟後人)

Có nghĩa là: Long Thành ứng mộng vẻ vang tiên tổ, Giếng Ếch âm vang khởi nghiệp đời sau.[14]

Hay nhà thờ họ Vũ thôn Cung Đường xã Phong Cốc cũng có câu đối:

Long Thành cựu chỉ tam huynh đệ (龍城舊址三兄弟)

Đông Hải khai canh nhị ngạc hoa (東海開耕二萼花)

Có nghĩa là: Thăng Long quê cũ 3 người anh em, Đông Hải khai canh hai đài với bông hoa (ý chỉ anh em gắn kết).

Thời kỳ phong kiến

Về sơ bộ, sau gia đoạn quai đê lấn biển ban đầu, đảo Hà Nam gồm Phong Lưu gồm 4 làng Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản tương ứng với khu vực Phong Hải, Phong Cốc và Cẩm La, Yên Hải ngày nay; Vị Dương, Lương Quy, Hải Triều, Vị Khê, tương ứng với khu Liên Hòa, Liên Vị, Tiền Phong ngày nay và Hưng Học tương ứng với khu Nam Hòa ngày nay.

Năm Thành Thái thứ 2 (1890) Vua Thành Thái nâng cấp 4 làng của Phong Lưu thành 4 xã tương ứng.

Trải qua các triều đại phong kiến từ khi lập đảo, đảo Hà Nam không ngừng được quai lấn rộng hơn và phát triển hơn. Hiện trên đảo còn lưu lại vô số bia đá, chỉ dụ, sắc phong trong suốt các triều đại từ nhà Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nguyễn, lưu giữ lịch sử, và sự công nhận của các triều đại.[15][16]

Thời kỳ thuộc Pháp tới độc lập 1945 và về sau

Sau khi giành độc lập, đảo Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng. Ngày 28 tháng 2 năm 1947, thực dân Pháp đánh chiếm Yên Hưng. Đầu tháng 6 năm 1947, khu Hà Nam  thành lập được một chi bộ Đảng do đồng chí Đỗ Thị Sinh (1925-1947, quê Thạch Thất, Hà Tây cũ), bí danh Minh Hà làm bí thư.

Năm 1954, đảo Hà Nam vỡ đê, nhiều công trình kiến trúc cổ bị phá hủy.[17]

Ngày 23/6/1964 xã Phong Cốc được phân chia thành xã Phong Cốc mới và xã Phong Hải.

Ngày 24 tháng 4 năm 1998, thành lập xã Tiền Phong trên cơ sở điều chỉnh lại xã Liên Vị và Liên Hòa.

Năm 2005, nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.[18]

Năm 2011, thành lập thị xã Quảng Yên trên cơ sở 31420,20 ha và 139596 nhân khẩu của huyện Yên Hưng cũ, các xã Phong Hải, Phong Cốc, Nam Hòa, Yên Hải được nâng cấp lên phường.[19]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đảo Hà Nam http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DEN-TRUNG-COC-a... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/MIEU-TIEN-CONG-... http://www.vietnamtourism.com/index.php/tourism/it... http://queviet.eu/dat-nuoc-con-nguoi/phong-tuc-le-... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://anninhthudo.vn/phong-su/chuyen-xua-ke-duoi-... http://www.baogiaothong.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-... http://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/doc-dao-le-ho... http://cafef.vn/hop-long-cau-bach-dang-danh-thuc-n... http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Dieu-chinh-quy-hoach-...